Thông kê truy cập
TIN TỨC SỰ KIỆN
“Mùa xuân là Tết trồng cây
Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”
“Vì lợi ích mười năm trồng cây,
Vì lợi ích trăm năm trồng người”
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh vốn yêu thiên nhiên, sống gần gũi với thiên nhiên. Người căn dặn cán bộ phải chọn những nơi: “Trên có núi, dưới có sông, có đất ta trồng, có bãi ta vui”. Người cùng cán bộ bắt tay ngay vào việc cuốc đất trồng cây vừa để cải thiện đời sống, vừa để hòa nhập vào thiên nhiên.
Ngày 28/11/1959, trên báo Nhân dân số 2082, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Tết trồng cây” và đề nghị tổ chức một ngày Tết trồng cây để thiết thực kỷ niệm ngày thành lập Đảng. Trong bài viết, Bác nêu rõ tác dụng của việc trồng cây, đó là công việc “tốn kém ít mà ích lợi nhiều”, đồng thời đề nghị tất cả Nhân dân mỗi người phụ trách trồng một hoặc vài ba cây và chăm sóc cho tốt. Cuối bài báo, Người khẳng định Tết trồng cây “cũng là một cuộc thi đua dài hạn nhưng nhẹ nhàng mà tất cả mọi người - từ các cụ phụ lão đến các em nhi đồng đều có thể hăng hái tham gia”.
Sáng ngày 11/01/1960, không khí Tết trồng cây đầu tiên mừng Đảng, mừng Xuân thật sôi nổi. Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng đồng bào Thủ đô đã trồng cây ở Công viên Hồ Bảy Mẫu (nay là Công viên Thống Nhất). Tại nơi đây, Bác đã tự tay cầm xẻng, xúc đất vun cho một cây đa nhỏ. Bác nói: “Trong 10 năm nữa phong cảnh nước ta sẽ ngày càng tươi đẹp, khí hậu sẽ hiền hòa hơn, cây gỗ sẽ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của Nhân dân ta”. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của Nhân dân cả nước và từ nhiều năm nay đã trở thành phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống được bao thế hệ người Việt Nam trân trọng, giữ gìn.
Bác Hồ kính yêu đã đi xa, nhưng thực hiện lời Người dạy, phong trào trồng cây, gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc luôn được toàn Đảng, toàn dân ta ra sức hưởng ứng bằng nhiều hành động cụ thể. Tấm gương sống giản dị, gần gũi với thiên nhiên, tư tưởng, triết lý sống tiến bộ về bảo vệ cảnh quan, môi trường sinh thái và tài nguyên thiên nhiên để phát triển bền vững của Người luôn là kim chỉ nam cho mọi hành động của các thế hệ hôm nay và mãi về sau./.