Thông kê truy cập
HOẠT ĐỘNG ĐOÀN THỂ
Trang TTĐT phường Thanh Xuân Trung xin gửi tới quý độc giả tài liệu tuyên truyền kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam và ngày truyền thống MTTQ Việt Nam.
tài liệu
ĐỀ CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN KỶ NIỆM 90 NĂM
NGÀY THÀNH LẬP MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM - NGÀY TRUYỀN THỐNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
(18/11/1930 – 18/11/2020)
A. NHỮNG DẤU MỐC LỊCH SỬ CỦA MẶT TRẬN DÂN TỘC THỐNG NHẤT VIỆT NAM
I. Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam ra đời đánh dấu bước phát triển về chất phong trào yêu nước của nhân dân ta
Ngày 3/2/1930 dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Hội nghị hợp nhất 3 tổ chức cộng sản ở Việt Nam đã nhất trí thành lập một đảng thống nhất là Đảng Cộng sản Việt Nam. Sự ra đời của Đảng là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân, phong trào yêu nước Việt Nam. Qua đấu tranh, Đảng ta càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của việc cần phải đoàn kết tất cả các giai cấp và tầng lớp có tinh thần yêu nước và tính cần thiết của việc xây dựng Mặt trận Dân tộc thống nhất. Ngày 18/11/1930 Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương đã ra Chỉ thị về vấn đề thành lập Hội phản đế đồng minh – tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
II. Những chặng đường lịch sử vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất
1. Thời kỳ đấu tranh giành chính quyền cách mạng (1930 - 1945)
Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời với Cương lĩnh chính trị đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng thiết tha của đa số nhân dân đã đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, giành chính quyền về tay nhân dân diễn ra với 3 cao trào cách mạng có ý nghĩa như 3 cuộc tổng diễn tập chuẩn bị cho cách mạng tháng Tám. Đó là: cao trào cách mạng (1930 - 1935) mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh; cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ (1936 - 1939) và cao trào giải phóng dân tộc (1939 - 1945) dẫn tới cách mạng tháng Tám. Trong những năm 1936 – 1939, chủ nghĩa phát xít xuất hiện, nguy cơ chiến tranh thế giới đang đến gần. Ban chấp hành Trung ương họp Hội nghị (tháng 11/1936) xác định mục tiêu và nhiệm vụ trước mắt của cách mạng Việt Nam lúc này là đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, chống chủ nghĩa phát xít, chống chiến tranh, đòi tự do, dân chủ, cơm áo và hòa bình. Đảng chủ trương thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương tập hợp các lực lượng toàn Đông Dương vào cuộc đấu tranh chống đế quốc.
Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng (tháng 3/1938) quyết định đổi tên thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương gọi tắt là Mặt trận dân chủ Đông Dương.
Ngày 1/9/1939 chiến tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, tháng 9/1940 phát xịt Nhật vào Đông Dương, thực dân Pháp thỏa hiệp với phát xít Nhật, thẳng tay đàn áp phong trào dân chủ chống chiến tranh của nhân dân ta. Tháng 11/1940 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng chủ trương thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất phản đế, nhằm tập hợp hết thảy những lực lượng phản đế, phản phong kiến ở Đông Dương đánh đổ đế quốc Pháp – phát xít Nhật và bè lũ tay sai phản lại quyền lợi dân tộc.
Năm 1941, Đồng chí Nguyễn Ái Quốc về nước để trực tiếp cùng Trung ương lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Người triệu tập Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tám để xem xét các chủ trương, chính sách của Đảng. Hội nghị đã quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Mặt trận Việt Minh bao gồm các hội cứu quốc của các tầng lớp nhân dân. Nhờ có chính sách đúng của Đảng, phong trào Việt Minh đã phát triển nhanh chóng và lan tỏa khắp nước. Tháng 10/1941 Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ. Ngày 07/5/1944 Tổng bộ Việt Minh ra Chỉ thị về sửa soạn khởi nghĩa.
Ngày 22/12/1944 Bác Hồ ra chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân. Ngày 09/3/1945 Nhật lật đổ Pháp, độc chiếm Đông Dương. Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ở Tân Trào trong 2 ngày 16 và 17/8/1945 đã nhiệt liệt tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa do Đảng Cộng sản kiến nghị, thông qua Lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách lớn của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca. Ngày 02/9/1945 tại Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.
2. Thời kỳ bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng Tháng Tám, tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ (1946 - 1975)
Sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, để bảo vệ chính quyền cách mạng, làm thất bại mọi âm mưu của kẻ thù và tay sai, nhiệm vụ củng cố và phát triển Việt Minh được đề ra cụ thể. Đảng ta chuyển vào hoạt động bí mật. Nhờ những hoạt động có hiệu quả của Việt Minh, khối đại đoàn kết toàn dân thực sự trở thành hậu thuẫn vững chắc chống thù trong giặc ngoài, đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua thác ghềnh nguy hiểm, bảo vệ được chính quyền, chủ động chuẩn bị cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày 29/5/1946 Hội liên hiệp quốc dân Việt Nam tuyên bố thành lập. Việc thành lập Hội Liên Việt là bước phát triển mới của Mặt trận dân tộc thống nhất. Để tiến hành cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Chính phủ liên hiệp kháng chiến được thành lập. Mặt trận Việt Minh và Hội Liên Việt ngày càng sát cánh bên nhau, đẩy mạnh mọi hoạt động, xây dựng tổ chức, phát triển lực lượng nhằm mục tiêu chung là kháng chiến thắng lợi, giành độc lập dân tộc.
Ngày 03/3/1951, Đại hội toàn quốc Mặt trận thống nhất Việt Minh – Liên Việt lấy tên là Mặt trận liên hiệp quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Mặt trận Liên Việt) được tiến hành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Mặt trận Liên Việt đã thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Bắc, làm cơ sở cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất đất nước.
Sau Hiệp định Giơnevơ, ngày 10/9/1955, Đại hội Mặt trận Dân tộc thống nhất họp tại Hà Nội đã quyết định thành lập Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và thông qua Cương lĩnh nhằm đoàn kết mọi lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình trong cả nước để đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Ngày 20/12/1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời với bản Tuyên ngôn và Chương trình hành động 10 điểm nhằm đánh đổ chế độ độc tài tay sai của đế quốc Mỹ. Ngày 20/4/1968, trên cơ sở thắng lợi và khí thế của Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hoà bình Việt Nam ra đời với bản Cương lĩnh thích hợp nhằm đoàn kết, tranh thủ thêm tầng lớp trí thức, tư sản dân tộc tiến bộ ở thành thị mở rộng thêm một bước Mặt trận chống Mỹ cứu nước, đẩy mạnh hoạt động trên cả ba mặt quân sự, chính trị và ngoại giao, tiến tới cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
3. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ đổi mới (Từ 1975 - 2020)
Sau khi thống nhất đất nước về mặt nhà nước, từ ngày 31/01 đến ngày 04/2/1977, tại thành phố Hồ Chí Minh, Đại hội Mặt trận dân tộc thống nhất Việt Nam quyết định hợp nhất 3 tổ chức: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam, lấy tên chung là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II (từ ngày 12 đến ngày 14/5/1983) đã thông qua Chương trình hành động và ra lời kêu gọi đồng bào chiến sĩ cả nước đoàn kết phấn đấu khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách, góp sức cùng với Đảng và Nhà nước tìm ra những giải pháp có hiệu quả để đưa đất nước tiến lên. Đại hội lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (họp từ ngày 02 đến ngày 04/11/1988) là Đại hội thực hiện công cuộc đổi mới do Đại hội VI (năm 1986) của Đảng đề ra.
Đại hội lần thứ IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (họp từ ngày 17 đến ngày 19/8/1994) đã đề ra phương hướng tiếp tục đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của Mặt trận nhằm làm tốt hơn nữa chức năng đoàn kết dân tộc, tập hợp mọi lực lượng tán thành sự nghiệp đổi mới. Đại hội IV Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã công bố Chương trình 12 điểm về “Đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước”. Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khoá X năm 1999 đã thông qua Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoạt động có hiệu quả, mở rộng về tổ chức và hoạt động, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, phát huy vị trí, vai trò của Mặt trận trong đời sống chính trị – xã hội.
Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ V (họp từ ngày 26 đến ngày 28/8/1999) là Đại hội mà nhiệm kỳ hoạt động của Mặt trận ở trong thời điểm chuyển tiếp giữa hai thế kỷ, là Đại hội phát huy tinh thần yêu nước, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường Mặt trận dân tộc thống nhất, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VI (họp từ ngày 21/9 đến ngày 23/9/2004) là đại hội đầu tiên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, đánh dấu một thời kỳ phát triển của dân tộc ta: thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong xu thế hội nhập và phát triển.
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VII được tổ chức trong các ngày 28, 29 và 30/9/2009 tại Thủ đô Hà Nội. Đại hội đã đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ và chương trình hành động nhiệm kỳ 2009 – 2014 và chính sách phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân lập thành tích chào mừng kỷ niệm 1.000 năm Thăng long Hà Nội.
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII (họp từ ngày 25/9 đến ngày 27/9/2014) tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Với chủ đề “Đoàn kết - Dân chủ - Đổi mới - Phát triển”, đề ra mục tiêu, phương hướng nhiệm vụ và Chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhiệm kỳ VIII (2014 - 2019).
Đại hội đại biểu toàn quốc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2019 - 2024 được tổ chức trọng thể từ ngày 18 đến ngày 20/9/2019 tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề: “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
B. SỰ RA ĐỜI VÀ PHÁT TRIỂN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ HÀ NỘI VÀ TỈNH HÀ TÂY (1930 - 2008)
I. Sự ra đời các hình thức tổ chức Mặt trận Dân tộc thống nhất Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây vận động nhân dân đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, tiến tới giành chính quyền (1930 – 1945)
Thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương lâm thời Đông Dương Cộng sản Đảng, ngày 28 /7/1929 Đại hội đại biểu công nhân Bắc kỳ lần thứ nhất được triệu tập tại số 15 Hàng Nón (nay là số 5 Hàng nón) Hà Nội. Đại hội quyết định thành lập Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ, xuất bản báo Lao động – cơ quan tuyên truyền vận động công nhân đấu tranh. Cũng năm 1929 tổ chức Nông hội đỏ được thành lập.
Ngày 03/02/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời; hơn tháng sau ngày 17/3/1930, Thành ủy lâm thời Hà Nội được thành lập. Mặt trận Phản đế đồng minh một số nơi ở Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây đã hình thành các tổ chức chính trị xã hội trong các tầng lớp nhân dân. Đảng đã đi sâu tổ chức vận động, quyết định lấy lực lượng cách mạng quần chúng, trước hết là quần chúng công nông làm nền tảng để lập Mặt trận. Đỉnh cao của phong trào Mặt trận Dân chủ Đông Dương ở Hà Nội là cuộc mít tinh ngày 01/5/1938 được tổ chức trọng thể tại khu Đấu Xảo (nay là Cung Văn hóa lao động Hữu nghị Việt Xô), với 25.000 người tham dự; cuộc mít tinh bao gồm đủ các tầng lớp giai cấp xã hội, các đoàn thể quần chúng.
Cuối năm 1938, Đảng bộ Tỉnh Hà Đông ra đời đánh dấu bước phát triển về chất của phong trào quần chúng tạo bước trưởng thành cho công tác Mặt trận Dân chủ Đông Dương do Đảng lãnh đạo. Tháng 9/1939, sau chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ; Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VI (tháng 11/1939) chủ trương chuyển hướng chiến lược quyết định thành lập Mặt trận Dân tộc phản đế phù hợp với tình hình nhiệm vụ mới. Tháng 10/1940, Đảng bộ Tỉnh Sơn Tây được thành lập, Đảng bộ ra đời vừa là thành viên, vừa là người lãnh đạo công tác Mặt trận thực hiện mục tiêu chiến lược của Đảng trên địa bàn Sơn Tây.
Tháng 5/1941, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ VIII họp ở Pắc Bó (Cao Bằng) do đồng chí Nguyễn Ái Quốc chủ trì quyết định thành lập Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh). Thành ủy Hà Nội chuyển các cơ sở tổ chức phản đế thành các cơ sở tổ chức cứu quốc và bước đầu hình thành Mặt trận Việt Minh ở Hà Nội. Tỉnh ủy Hà Đông chỉ đạo các cơ sở thành lập Mặt trận Việt Minh vào tháng 10/1941. Ở Sơn Tây, cuối năm 1941, Ban cán sự Đảng quyết định chuyển các đoàn thể chính trị trong Mặt trận phản đế thành các đoàn thể cứu quốc, thành lập Mặt trận Việt Minh. Mặt trận Việt Minh ở Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây thực sự tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, Mặt trận Việt Minh là nhân tố quyết định thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.
II. Mặt trận Việt Minh, Mặt trận Liên Việt ở Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây trong kháng chiến chống thực dân Pháp (1945 – 1954)
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 với sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gắn liền với sự lãnh đạo của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và cũng gắn liền với sự nghiệp vẻ vang của Mặt Trận Việt Minh. Sau lễ Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945, chính quyền cách mạng gặp muôn vàn khó khăn, cùng lúc phải giải quyết nạn đói, nạn mù chữ… Để giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ trong lúc thù trong, giặc ngoài và thực dân Pháp quyết xâm lược nước ta một lần nữa, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi những người tài đức ra giúp nước, giúp dân. Nhân dân Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thực hiện 3 cuộc vận động lớn: diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Mặt trận Hà Nội và Mặt trận 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây đã cùng Đảng bộ và chính quyền vận động Nhân dân hưởng ứng tham gia “Tuần lễ vàng”, phong trào “Bình dân học vụ” chống giặc dốt, “Hũ gạo cứu đói”, “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”…
Ngày 28/5/1946, Hội Liên hiệp Quốc dân Việt Nam (gọi tắt là Liên Việt) được thành lập. Giữa năm 1946, Mặt trận Liên Việt ở Hà Nội, Hà Đông, Sơn Tây được thành lập, Mặt trận dồn sức vào xây dựng khối đoàn kết toàn dân, thực hiện nhiệm vụ chính trị, củng cố bảo vệ chính quyền cách mạng.
Ngày 19/12/1946, kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Mặt trận Liên Việt vẫn hoạt động trong vùng địch hậu, gây dựng các cơ sở bí mật trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Mặt trận Việt Minh tỉnh Hà Đông, Sơn Tây cùng với Hội Liên Việt đã đi vào các tầng lớp nhân dân, tuyên truyền, xây dựng khối đoàn kết trong quảng đại quần chúng nhân dân.
Ngày 03/03/1951, Đại hội thống nhất Việt Minh – Liên Việt họp tại Việt Bắc hợp nhất thành một Mặt trận lấy tên chung là Mặt trận Liên Việt nhằm đảm bảo sự đoàn kết rộng rãi các tầng lớp nhân dân yêu nước. Sau khi sáp nhập, Mặt trận Liên Việt của Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây bám sát cơ sở, vận động, tổ chức quần chúng, khối đoàn kết toàn dân được củng cố, vận động nhân dân góp sức người, sức của cho kháng chiến. Thành hội Việt Minh, Thành hội Liên Việt đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử góp phần xứng đáng đưa sự nghiệp kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi.
III. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của Hà Nội, Hà Đông và Sơn Tây vận động đoàn kết các tầng lớp nhân dân ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1954 - 1975)
Ngày 10/10/1954, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Hà Nội trở thành Thủ đô - trái tim của cả nước. Để đáp ứng yêu cầu tiếp quản, phục hồi phát triển kinh tế Thủ đô, tháng 10 năm 1955, Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ I đã được tổ chức và thành công rực rỡ với việc tán thành Cương lĩnh của MTTQ Việt Nam và thống nhất thành lập MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội. Cùng thời điểm này, Mặt trận Tổ quốc ở Hà Đông và Sơn Tây bước sang một giai đoạn cách mạng mới, đó là khôi phục, phát triển kinh tế xã hội, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam. Năm 1957, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn Tây và tỉnh Hà Đông tổ chức Đại hội lần thứ nhất. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, công tác Mặt trận ở Hà Đông và Sơn tây thực hiện nhiệm vụ cải tạo quan hệ sản xuất, bước đầu phát triển kinh tế xã hội của Đảng. Tháng 6/1958, Đại hội lần thứ II Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội được khai mạc tại Thủ đô đã một lần nữa xác định lập trường đoàn kết phấn đấu theo Cương lĩnh là hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và Xã hội Chủ nghĩa. Tháng 9/1961, Đại hội lần thứ III Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội được triệu tập, đây là Đại hội đánh dấu một bước trưởng thành lịch sử của Mặt Trận Thủ đô, mở ra cho toàn dân Thủ đô thời kỳ mới, lấy xây dựng chủ nghĩa xã hội làm trọng tâm. Cũng khoảng thời gian này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Sơn Tây tổ chức Đại hội lần thứ II (năm 1961), Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Đông tổ chức Đại hội lần thứ II (năm 1962). Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ IV vào tháng 4/1964 diễn ra khi Thủ đô Hà Nội đang trải qua những biến đổi lớn lao, đang tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa Xã hội Chủ nghĩa.
Để xây dựng và phát triển đất nước, ngày 10/4/1965, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 113 quyết định hợp nhất 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây thành tỉnh Hà Tây. Trong những năm từ 1965 đến 1975, khi đế quốc Mỹ gây chiến tranh phá hoại miền Bắc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Hà Nội và Hà Tây cùng các tổ chức, các đoàn thể đã dấy lên các cao trào thi đua yêu nước “Mỗi người làm việc bằng hai”, phong trào “Ba sẵn sàng”, “Ba đảm đang”, “Ba quyết tâm”, “Tay búa súng”, “Tay cày súng”... Trong giai đoạn này, Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo tiến hành thành công các Đại hội lần thứ V (tháng 5/1968), Lần thứ VI (tháng 5/1971) và lần thứ VII (tháng 5/1974) của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội. Đại hội MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tây lần thứ nhất sau khi hợp nhất diễn ra vào năm 1974. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, Hà Tây trong thời điểm này đã vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, 30/4/1975.
IV. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của Hà Nội, Hà Sơn Bình trong thời kỳ cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và thực hiện công cuộc đổi mới (1975 - 1991)
Tháng 9/1975, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 245 sáp nhập tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình thành tỉnh Hà Sơn Bình. Hội nghị hợp nhất Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Sơn Bình diễn ra vào tháng 3/1976. Trong giai đoạn từ 1975-1991, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Sơn Bình tổ chức Đại hội lần thứ I (tháng 5/1978), lần thứ II (tháng 9/1983), lần thứ III (tháng 7/1988). Cũng trong giai đoạn này, Đại hội lần thứ VIII (tháng 6/1977), Lần thứ IX (tháng 5/1980) và lần thứ X (tháng 12/1983) của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội được tổ chức thành công. Đại hội nhiệm kỳ trong thời điểm này đã đánh dấu những bước tiến trong lãnh đạo của Đảng với công tác Mặt trận cũng như xác định cống hiến to lớn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố trong thời kỳ này.
Hòa vào công cuộc đổi mới của đất nước, với truyền thống anh hùng của Thủ đô, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Sơn Bình đã tiếp tục vận động, đoàn kết các tầng lớp nhân dân vững bước trên con đường đổi mới; tạo mọi điều kiện phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia đẩy mạnh các lĩnh vực công tác, giám sát, phát hiện và phản ánh nhiều ý kiến cho các ngành chức năng kiểm tra uốn nắn, hạn chế, ngăn chặn các biểu hiện tiêu cực trong đội ngũ cán bộ thực thi công vụ.
V. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam của Hà Nội, Hà Tây vận động nhân dân đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới (1991 – 2008)
Tháng 8/1991, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VII quyết định tách tỉnh Hà Sơn Bình thành hai tỉnh Hà Tây và Hòa Bình. Từ đây Mặt trận Tổ quốc Hà Nội, Hà Tây tiếp tục đẩy mạnh công cuộc đổi mới. Trong giai đoạn này, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm lãnh đạo công tác dân vận, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong tình hình mới. Từ Đại hội lần thứ XI (1/1989) đến Đại hội lần thứ XII (5/1994) Mặt trận Tổ quốc Việt nam thành phố Hà Nội đã có nhiều đổi mới trong tổ chức thực hiện các Chương trình hành động để hoàn thành được nhiệm vụ của mình. Trong khoảng thời gian này, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tây tổ chức các kỳ Đại hội lần thứ VI (tháng 4/1993), lần thứ VII (tháng 5/1998). Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội và tỉnh Hà tây cùng các tổ chức thành viên đã phát huy vai trò, vị trị, chức năng nhiệm vụ của mình, tổ chức thực hiện nhiệm vụ giành nhiều thắng lợi.
Năm 1999, chuẩn bị bước sang thế kỷ XXI, tại Đại hội lần thứ XIII, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã khẳng định: Với truyền thống ngàn năm văn hiến của Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội; truyền thống cách mạng của nhân dân Thủ đô, với niềm tin vào công cuộc đổi mới đất nước, đổi mới Thủ đô do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo, hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố những năm bước sang thế kỷ XXI sẽ được nhân dân ủng hộ.
Bước sang Thế kỷ XXI, tháng 10/2003, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hà Tây tổ chức Đại hội lần thứ VIII; năm 2004, Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Đại hội lần thứ XIV. Đại hội diễn ra vào thời điểm có ý nghĩa quan trọng khi các tầng lớp nhân dân Thủ đô hướng tới kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Thủ đô.
C. MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ HÀ NỘI THỜI KỲ HỢP NHẤT VÀ PHÁT TRIỂN (2008 – 2020)
Ngày 1/8/2008 đã đi vào lịch sử phát triển của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội khi thực hiện Nghị quyết số 15 Quốc hội khóa 12 về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội, hợp nhất thành phố Hà Nội với tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnhVĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình). Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội, ngày 2/8/2008, Hội nghị hợp nhất Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội và Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hà Tây được tổ chức, thông qua danh sách 201 Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội mới.
Năm 2009, trong không khí Thủ đô và cả nước phấn khởi hướng về Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội, với tinh thần “dân chủ, đoàn kết, đồng thuận đẩy mạnh công cuộc đổi mới” MTTQ Việt nam thành phố Hà Nội đã tổ chức thành công Đại hội lần thứ XV và vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh – phần thưởng cao quý của Đảng, Nhà nước trao tặng hệ thống Mặt trận Thủ đô. Nhiệm kỳ đầu tiên (2009-2014) của MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sau hợp nhất đã ghi dấu sự đổi mới mạnh mẽ nội dung phương thức hoạt động của Mặt trận trong thực hiện Chương trình hành động của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đặc biệt, với việc Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội ký kết Quy chế phối hợp tổ chức phản biện xã hội trên địa bàn thành phố.
Tháng 6/2014, Đại hội đại biểu MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2014-2019 đã thành công tốt đẹp, mở ra một trang mới đối với MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội. Đại hội khẳng định Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã thể hiện rõ vai trò của tổ chức liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, mang tính nhân dân sâu sắc, là hình ảnh tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, nơi bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Đại hội lần thứ XVII MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2019-2024 diễn ra vào ngày 24, 25/7/2019 với chủ đề “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường dân chủ, tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận, góp phần xây dựng, bảo vệ Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại”, Đại hội đã thống nhất đánh giá việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2014 – 2019; với những kết quả nổi bật trong công tác Mặt trận là:
(1) Tập trung làm tốt công tác nắm tình hình và định hướng dư luận nhân dân trên địa bàn, kịp thời báo cáo, góp phần hạn chế phát sinh những điểm nóng, phức tạp ở các địa phương.
(2) Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo; phối hợp với các tôn giáo xây dựng nhiều mô hình tự quản về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tổ chức tốt Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở khu dân cư.
(3) Thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; chương trình phối hợp giảm nghèo bền vững; công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”; ủng hộ quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam” 104.904 tỷ đồng.
(4) Tổ chức tuyên truyền, tổ chức các hội chợ để trưng bày, triển lãm giới thiệu hàng Việt Nam chất lượng cao; tổ chức thành công chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích”.
(5) Thực hiện tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, tỷ lệ cử tri đi bầu cử đạt 98,98%. Mặt trận các cấp đã tổ chức 2.594 hội nghị phản biện xã hội. Là đơn vị đầu tiên trong cả nước ban hành và triển khai Hướng dẫn số 60/HD-MTTQ-BTT ngày 26/4/2018 về việc giám sát và nhận xét của Ban công tác Mặt trận đối với đảng viên thường xuyên ở nơi cư trú, đang công tác tại các cơ quan, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp. Phối hợp tổ chức 1.909 cuộc đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với Mặt trận, các đoàn thể chính trị và nhân dân.
(6) Duy trì thực hiện tốt công tác đối ngoại nhân dân với các đơn vị.
(7) Tập trung chỉ đạo hướng về cơ sở, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.
(8) Tập trung chỉ đạo công tác tổ chức, công tác cán bộ Mặt trận các cấp; thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Đảng về công tác cán bộ
Đại hội cũng định ra phương hướng, nhiệm vụ và chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố nhiệm kỳ 2019 – 2024.
D. MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG THỜI GIAN TỚI
Trong những năm tới với sự phát triển nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; những thành tựu sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính cùng với truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố là những thuận lợi cơ bản, tạo tiền đề để Thủ đô Hà Nội tiếp tục phát triển cơ bản, vững chắc. Tuy nhiên, tình hình chính trị thế giới và khu vực còn nhiều diễn biến phức tạp, bất ổn, khó lường, ảnh hưởng đến tư tưởng các tầng lớp nhân dân, đến công tác vận động xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc và việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của Thành phố.
Xứng đáng với truyền thống vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, thực hiện nhiệm vụ chính trị mà Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thành ủy giao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu cơ bản, 5 Chương trình hành động, 3 khâu đột phá, 4 nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội nhiệm kỳ 2019-2024 đã đề ra với mục tiêu chung là:
Tiếp tục xây dựng và củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc; đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động; đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động, kịp thời tổng hợp và định hướng dư luận xã hội theo quan điểm của Đảng; thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Nhân dân; tăng cường dân chủ, đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; tăng cường đồng thuận, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Một là, Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp Nhân dân, xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường đoàn kết quốc tế, mở rộng đối ngoại nhân dân góp phần xây dựng và phát triển Thủ đô giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Hai là, Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động.
Ba là, Nâng cao chất lượng giám sát, phản biện xã hội, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân; tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.
Bốn là, Xây dựng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đáp ứng yêu cầu và nguyện vọng của các tầng lớp Nhân dân.
Hướng tới kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, thấm nhuần sâu sắc tư tưởng và lời dạy của Bác Hồ kính yêu: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; Thành công, thành công, đại thành công”, chúng ta càng tự hào về truyền thống yêu nước, vẻ vang của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, kế thừa và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, coi đó là nhân tố cơ bản để thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng Thủ đô anh hùng, Thành phố vì hòa bình./.
BAN TUYÊN GIÁO VÀ ĐỐI NGOẠI
ỦY BAN mặt trận tổ quốc việt nam thành phố hà nội