Skip to Content
 
        
TỔNG QUAN
TIN TỨC - SỰ KIỆN











Visitor Tracking Visitor Tracking

User Online: 726
Access in week: 2939
Access in month: 5778
Access in year: 436855
Total visited: 2550965

VĂN HÓA - XÃ HỘI VĂN HÓA - XÃ HỘI

Khuyến cáo cách phòng chống một số bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ trong mùa Đông - Xuân
Publish date 31/10/2024 | 10:23  | Lượt xem: 72

Thời tiết giao mùa hiện nay tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp: như Sởi, Cúm, ho viêm họng, viêm phế quản trẻ em, nhất là trẻ ở lứa tuổi mầm non là đối tượng dễ bị mắc bệnh, các bậc phụ huynh cần lưu ý để phòng bệnh cho trẻ

Thời tiết giao mùa hiện nay với nhiệt độ nóng - lạnh đan xen, mưa gió và độ ẩm không khí thay đổi nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho các bệnh lây truyền qua đường hô hấp: như Sởi, cảm cúm, ho viêm họng, viêm phế quản nhất là trẻ ở lứa tuổi mầm non là đối tượng dễ bị mắc bệnh. Trung bình trẻ dưới 5 tuổi mắc các bệnh viêm đường hô hấp 4-6 lần/năm, vậy nên các bậc phụ huynh cần lưu ý các biện pháp phòng bệnh cho trẻ.

* Một số bệnh thường gặp vào mùa đông xuân:

Sởi: là bệnh truyền nhiễm cấp tính, do vi rút gây ra, bệnh có tính lây truyền qua đường hô hấp do các chất tiết của mũi, họng có chứa vi rút Sởi bắn ra ngoài không khí khi bệnh nhân nói chuyện, ho, hắt hơi… bệnh thường hay gặp ở trẻ dưới 5 tuổi. Tất cả những trẻ chưa mắc bệnh Sởi hoặc chưa được tiêm vắc xin phòng Sởi đầy đủ thì đều có thể mắc bệnh này.

Các triệu chứng của bệnh sởi.

Bệnh Cúm mùa:

Bệnh cúm mùa thường bị nhầm với cảm lạnh thông thường, nhưng các triệu chứng của bệnh này thường nghiêm trọng hơn. Ở trẻ em khoảng 2 ngày sau khi cơ thể tiếp xúc với virus cúm (thời gian ủ bệnh), các triệu chứng ban đầu có thể là: sốt bắt đầu xuất hiện; có cảm giác ớn lạnh; nhức đầu; đau nhức cơ bắp; chóng mặt; ăn không ngon; mệt mỏi; ho; đau họng; chảy nước mũi; Buồn nôn; Cảm giác yếu ớt không còn chút sức lực; Đau tai; Có thế xuất hiện triệu chứng tiêu chảy… bệnh cũng có thể tiến triển và gây ra một số biến chứng nguy hiểm như nhiễm trùng tai, viêm xoang, viêm họng, viêm kết mạc, viêm phổi.Tại Việt Nam các virus gây bệnh cúm mùa thường gặp là cúm A/H3N2, A/H1N1 và cúm B.

Câu hỏi được đặt ra trẻ nào sẽ dễ mắc cúm? trả lời câu hỏi này các nghiên cứu cho thấy đối tượng nguy cơ dễ mắc cúm và biến chứng bao gồm: Trẻ em dưới 5 tuổi, suy dinh dưỡng, béo phì, hen phế quản hoặc bị suy giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải… sẽ dễ mắc cúm nhiều hơn.

Viêm họng cấp tính:

Bệnh thường xảy ra vào mùa đông, gặp cả ở người lớn và trẻ em. Triệu chứng đầu tiên là đau họng khi nuốt, sốt, khàn tiếng, ho do bị kích ứng ở đường hô hấp trên, có thể kèm theo sổ mũi. Nguyên nhân gây bệnh thường thấy do loại vi khuẩn liên cầu tan máu beta nhóm A, có nhiều trường hợp do vi rút. Nếu không được chữa trị hiệu quả, bệnh có thể dẫn đến viêm phổi, viêm khớp, biến chứng tại cơ tim và van tim.

Chính vì vậy, cha mẹ nên quan tâm đúng mức tới sức khỏe của trẻ, cần thiết phải cho trẻ đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa khi có triệu chứng như sốt cao, trẻ li bì, ho nặng tiếng.

Viêm khí phế quản, biến chứng viêm phổi:

Viêm khí phế quản có thể xảy ra ở bất cứ lứa tuổi nào, thường sau khi thay đổi thời tiết hoặc bị viêm họng, viêm mũi do không chữa trị hiệu quả kịp thời hoặc theo diễn biến của bệnh… Nhiều trường hợp trẻ mắc bệnh chỉ sổ mũi trong, ho nhẹ, nếu tình trạng này kéo dài, không điều trị đúng, trẻ dễ bị nhiễm trùng lan rộng và sâu hơn vào phế quản phổi, phế nang và nhu mô phổi rất nguy hiểm với các triệu chứng sốt cao, ho khạc đờm đặc, có màu xanh hoặc vàng, trẻ mệt mỏi, li bì.

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng ngừa dịch bệnh cho trẻ.

* Khuyến cáo các biện pháp phòng dịch bệnh mùa đông xuân:

– Tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch theo khuyến cáo như: Sởi - Rubella; Cúm; Viêm mũi, viêm phổi, viêm tai giữa do phế cầu;...

– Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, ủ ấm cho trẻ khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; cho trẻ mặc ấm, giữ ấm bàn chân, bàn tay, đầu, ngực, cổ;

– Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, sởi, tiêu chảy, bệnh hô hấp,…;

– Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Uống nước ấm, tránh ăn hoặc uống nước lấy trực tiếp từ tủ lạnh;

– Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi họng hàng ngày;

– Đảm bảo vệ sinh môi trường, vệ sinh đồ chơi của trẻ, vệ sinh gia đình;

- Tăng cường vận động, luyện tập thể thao: Thời gian hợp lý cho trẻ vận động mùa đông vào buổi sáng là từ 8h - 9h30, buổi chiều là từ 15h - 17h.

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ bị bệnh truyền nhiễm, bệnh đường hô hấp cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để khám và xử trí kịp thời.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội

https://hanoicdc.gov.vn/1902n/khuyen-cao-cach-phong-chong-mot-so-benh-thuong-gap-o-tre-nho-trong-mua-dong--xuan-.html